Phát huy giá trị đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng tỉnh Lào Cai

Nằm ở phía Tây Bắc, tỉnh Lào Cai có nguồn tài nguyên rừng phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan. Các hệ sinh thái (HST) rừng đã tạo ra nơi cư trú cho hàng nghìn loài sinh vật, trong đó có nhiều loài động vật và thực vật quý hiếm. Nhờ những nét độc đáo của các HST rừng đã đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú bậc nhất tại Việt Nam.

Hiện Lào Cai đang xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Khu dữ trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới Hoàng Liên Sơn, đây sẽ là sự ghi nhận của quốc tế về những giá trị và tiềm năng của các HST rừng nơi đây.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, hệ thực vật ở đây mang đặc trưng á nhiệt đới và ôn đới (Vân Nam – Hymalaya, Bắc Việt Nam – Nam Trung Quốc và Ấn Độ – Malaixia). Qua tổng hợp bước đầu đã thống kê được 2.399 loài thực vật có mạch thuộc 1.020 chi và 256 họ. Số lượng loài thực vật phong phú, đặc biệt có các loài chịu lạnh mang tính chất đặc trưng của vùng, trong đó các loài thực vật đặc hữu chiếm tới 25% các loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam như bách tán Đài Loan, bách xanh, thông đỏ, vân sam Hoàng Liên (sam lạnh), thiết sam và phát hiện các loài thích tím… Có thể nói, vùng núi Hoàng Liên là kho tàng gen cây rừng quý, hiếm bậc nhất của Việt Nam. Khu hệ thực vật không chỉ đa dạng về thành phần loài mà còn về công dụng. Trong số 2.399 loài thực vật, có 754 loài làm thuốc; 214 loài ăn được; 458 loài lấy gỗ; 311 loài làm cảnh; 67 loài cho dầu; 45 loài cây cho tanin, chất màu; 23 loài lấy sợi; 125 loài cây có công dụng khác.   KDTSQ Hoàng Liên Sơn có tổng diện tích 542.146 ha, dân số 165.000 người. Trong đó, vùng lõi bao gồm Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hoàng Liên – Văn Bàn và Y Tý – Bát Xát, với tổng diện tích 72.146 ha. Vùng đệm gồm các xã tiếp giáp với vùng lõi có diện tích khoảng 170.000 ha, dân số khoảng 70.000 người, gồm một số xã của các huyện Sa Pa, Văn Bàn, Bát Xát (Lào Cai) và huyện Tam Đường, Tân Uyên (Lai Châu). Vùng chuyển tiếp bao gồm các xã tiếp giáp với vùng đệm ở các huyện Sa Pa, Bảo Thắng, Văn Bàn và Bát Xát với diện tích 300.000 ha, dân số 95.000 người.

Bên cạnh đó, hệ động vật của vùng núi cao Hoàng Liên Sơn đã thống kê được 621 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 96 loài thú, 376 loài chim, 68 loài bò sát và 60 loài lưỡng thể, đặc biệt có loài ếch gai rất hiếm vừa được phát hiện. Trong tổng số loài động vật có xương sống đã ghi nhận, có 80 loài động vật quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam (1992), 49 loài trong Danh lục đỏ IUCN/2004, 8 loài chim đặc hữu của Việt Nam và 25 loài chim khác; khu hệ lưỡng thê (8 loài) và đang bảo tồn nguồn gen của trên 1/2 số loài ếch nhái có ở Việt Nam. Qua đó cho thấy, khu vùng núi cao Hoàng Liên Sơn rất đa dạng về các loài động vật có xương sống, cũng như tính xác đáng và hiệu quả của công tác bảo vệ, phục hồi sinh cảnh tự nhiên. Đây cũng là cơ sở để thực hiện bảo tồn tại chỗ động vật rừng trong môi trường tự nhiên; đặc biệt, VQG Hoàng Liên đã được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường và đại diện chính quyền địa phương tham gia thả động vật về rừng nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2016 tại VQG Hoàng Liên, Lào Cai

Mặc dù có tính đa dạng cao, nhưng nhiều khu vực bị ảnh hưởng do tác động của các hoạt động kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư sống gần khu vực VQG và các KBTTN khiến số lượng cá thể một số loài giảm đáng kể. Tình trạng săn, bắt động vật trái phép dẫn đến nhiều loài đang bị đe dọa, trong đó có một số loài đang trong tình trạng tuyệt chủng ở khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn như: Vượn đen tuyền, hồng hoàng, cheo cheo, voọc bạc má. Những loài bò sát, lưỡng cư có giá trị thương mại hoặc dược liệu như: Các loài rùa, kỳ đà, rắn…

Cùng với đó, công tác bảo tồn ĐDSH đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức từ thực trạng gia tăng dân số của đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng lõi và vùng đệm, áp lực từ biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy, cháy rừng… Tất các các yếu tố này dẫn đến nguy cơ sụt giảm số lượng loài trong tự nhiên. Do đó, cần thiết phải tăng cường đầu tư bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng, để bảo tồn các nguồn gen quý, hiếm, bảo tồn ĐDSH, góp phần cải tạo, gìn giữ môi trường, ngăn ngừa những thảm họa về môi sinh cho con người và phát huy khả năng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông lớn.

Để làm được điều đó, cần sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền, sự phối, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành địa phương và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân; tìm các sinh kế thay thế giúp cộng đồng dân cư phát triển kinh tế; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn; hợp tác hiệu quả với các tổ chức trong nước và quốc tế trên nhiều lĩnh vực, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá của Lào Cai.

>> Xem thêm : Chất thải rắn – Thách thức các đơn vị quản lý

Lê Ngọc Dương Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai
Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017
Theo VEA