Vấn đề sa mạc hóa đối với các vùng biển Việt Nam

16/06/2017 4:57:37 PM Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), “sa mạc hóa là quá trình tự nhiên và xã hội làm phá vỡ cân bằng sinh thái của đất, thảm thực vật, không khí và nước. Quá trình này xảy ra liên tục, qua nhiều giai đoạn, dẫn đến giảm sút hoặc hủy hoại hoàn toàn khả năng dinh dưỡng của một khu vực, giảm thiểu các điều kiện sinh sống và làm gia tăng cảnh hoang tàn”.

Đối với các vùng biển, sa mạc hóa được hiểu là khu vực mà ở đó điều kiện tự nhiên, chất lượng nước, môi trường cảnh quan biển bị hủy hoại nghiêm trọng, làm cho các sinh vật biển không thể sống được. Điều này nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống ngư dân ven biển, sự phát triển bền vững, an ninh môi trường sinh thái, chủ quyền biển, đảo và những vấn đề nghiêm trọng khác chưa lường hết được.

Các công trình nghiên cứu khoa học quốc tế uy tín gần đây cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa mạc hóa biển; trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tiếp đó là các nguyên nhân khác, gồm: việc xả chất thải độc hại ra môi trường biển, gây phát thải khí nhà kính hoặc quá trình bùn hóa, đục hóa biển,… làm gia tăng nồng độ a-xít; biến đổi môi trường cư ngụ và sinh trưởng của các sinh vật biển; trong khi đó, dưới tác động của các dòng hải lưu hình thành xoáy nước thuận và nghịch trên mặt biển tạo ra sa mạc biển ở bên dưới…Đối với Việt Nam – quốc gia có hơn 3.260 km bờ biển – sự sa mạc hóa các vùng biển đã, đang chịu sự tác động của hầu hết các nguyên nhân trên. Đặc biệt, những năm gầy đây, do quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển, nên nguy cơ sa mạc hóa các vùng biển từ ô nhiễm môi trường (như sự cố môi trường biển ở 04 tỉnh miền Trung năm 2016) tăng dần.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, chống nguy cơ sa mạc hóa đối với các vùng biển. Theo đó, ngày 03/6/2013, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ và phòng, chống sa mạc hóa các vùng đất, vùng biển của đất nước. Chính phủ đã ra nhiều chỉ thị, nghị định về bảo vệ môi trường, chống sa mạc hóa ở các địa bàn, địa phương; chỉ đạo các cấp, ngành chức năng coi trọng phát triển, bảo tồn đa dạng sinh vật biển, quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên, khu sinh thái biển…

Đồng thời, chú trọng phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ, giữ gìn môi trường biển với nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, như: hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới; “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” và các phong trào làm sạch các vùng biển, v.v. Bên cạnh đó, tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phòng ngừa, cảnh báo và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống sa mạc hóa các vùng biển, nhất là đối với các địa bàn có nguy cơ sa mạc hóa cao.

Đây là các giải pháp rất quan trọng, thiết thực để Việt Nam phòng, chống sa mạc hóa biển một cách có hiệu quả, góp phần đưa kinh tế biển phát triển bền vững.

>> Xem thêm: Sơn Đoòng nhận hai kỷ lục thế giới

Theo moitruong.com.vn (TH/ Tạp chí QPTD)