Quy trình công nghệ sản xuất đường mía tại Việt Nam

Đường mía dùng để thêm vị ngọt cho các thực phẩm, nước giải khát,…và từ lâu đã trở nên rất thông dụng trong cuộc sống, tuy nhiên quy trình sản xuất ra nó cực kỳ phức tạp đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn mà có thể bạn vẫn chưa biết

Khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều đã ban tặng cho nước ta một thiên nhiên phong phú và đa dạng, đã tạo điều kiện rất thuận lợi để trồng các cây công nghiệp ngắn ngày đặc biệt là cây mía, cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất đường mía Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia có truyền thống sản xuất đường mía từ lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế đất nước. Tính đến năm 2012, Việt Nam có khoảng 50 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế 127.600 tấn mía/ngày, sản xuất được hơn 1,45 triệu tấn đường/năm.

Sản xuất đường mía gồm nhiều công đoạn khác nhau từ nguyên liệu là những cây mía và rất nhiều nguyên phụ liệu đầu vào, gồm hai quy trình chính là: sản xuất đường thô và sản xuất đường tinh luyện.

Quy trình sản xuất đường thô

1(1)

Quy trình sản xuất đường thô (Nguồn: Internet)

Bao gồm các công đoạn: ép mía, tinh chế nước mía, chưng cất, kết tinh đường và phân tách.

Để tận dụng hết lượng đường có trong mía, đầu tiên cây mía được băm thành mảnh nhỏ rồi đánh tơi, sau đó người ta dùng nước hoặc nước mía phun vào bả mía để chúng nhả đường dưới tác động của các trục áp lực. Bã mía ở máy ép cuối còn chứa một lượng nhỏ đường chưa lấy hết, xơ gỗ và khoảng 40 – 50% nước được tận dụng làm nhiên liệu cho lò hơi.

Nước mía thu được rất đục chứa nhiều cặn lơ lửng, để xử lý chúng dùng các chất hóa học như vôi, CO2, SO2, photphat rồi được đun nóng để làm trong. Quá trình xử lý này tạo ra các kết tủa khi lắng xuống đáy sẽ mang theo các chất bẩn. Kết tủa này sẽ bị loại bỏ hoặc dùng làm phân bón cho ruộng mía, còn lớp nước mía sạch bên trên được chứa ở một thùng sạch.

Nước mía sạch còn chứa khoảng 88% nước phải tiến hành làm bay hơi trong lò nấu chân không. Hỗn hợp tinh thể và mật sau nấu được thu vào máy ly tâm để tách đường ra khỏi mật rỉ. Mật rỉ là sản phẩm phụ để bán cho các nhà máy lên men cồn và bột ngọt. Rỉ đường là dung dịch hóa học có độ nhớt cao.

Quy trình sản xuất đường tinh luyện

Quy trình công nghệ tinh luyện đường gồm 3 giai đọan chính: rửa hòa tan, khử màu và làm sạch, kết tinh.

2

Quy trình sản xuất đường tinh luyện (Nguồn: Internet)

Quá trình luyện đường dùng đường thô làm nguyên liệu đầu vào và hoàn toàn không dùng hóa chất tẩy trắng. Đầu tiên đường thô được hòa tan. Sau đó đưa qua carbonat hóa, khí  carbonic  dùng  cho carbonat hóa được lấy từ khói lò hơi, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính. Tiếp theo, dịch đường được đưa qua lọc Diastar để loại bỏ tạp chất sẵn sàng vào hệ thống trao đổi ion liên tục. Hệ thống trao đổi ion hấp thụ 70% chất màu, giúp dung dịch đường trở nên trong suốt và sẵn sàng cho quá trình kết tinh đường luyện.

Đường tinh luyện được nấu qua 3 hệ thống nồi nấu mẻ tự động hoàn toàn, giúp cho đường thành phẩm luôn đồng nhất. Đường sau khi nấu được ly tâm tách mật, đem đi sấy khô và làm nguội song hành bằng trống sấy Rotolouvre. Kế đến được phân loại kích cỡ hạt bằng sàng rung 6 lớp lưới, rồi đi vào hệ thống ổn định đường và đóng bao.

Quy trình sản xuất đường mía gồm rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều phát sinh một lượng nước thải khác nhau về cả thành phần lẫn nồng độ các chất ô nhiễm. Chúng có thể có đe dọa môi trường sống của con người nếu không được xử lý đạt quy chuẩn về môi trường.

—Môi trường Á Châu—